12 giờ:38 phút Chủ nhật, ngày 20 tháng 4 , 2025

Kỳ tích của Phi đội Quyết thắng

Trận ném bom của Phi đội Quyết thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4-1975 là một chiến công xuất sắc, có ý nghĩa lịch sử của Không quân nhân dân Việt Nam. Đây là trận đánh mà ta đã sử dụng 5 máy bay A37 của địch để đánh địch, phá hủy 24 máy bay và tiêu diệt hàng trăm tên địch, góp phần chặt đứt cầu hàng không của địch. Phi đội đã chiến thắng trở về hạ cánh an toàn tại sân bay Phan Rang, đây được xem là một kỳ tích của Không quân nhân dân Việt Nam.

Kỳ tích của Phi đội Quyết thắng
Tác giả trao đổi với Phi công Nguyễn Văn Lục tại nhà riêng.

Những ngày đầu tháng 4-2025, tôi tìm gặp lại Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Nguyễn Văn Lục, người Phi đội trưởng năm xưa trong đội hình chiến đấu của Phi đội Quyết thắng đã tập kích vào Sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4-1975. Đã bước vào tuổi xấp xỉ 80, nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn khi kể cho tôi nghe chi tiết câu chuyện của 50 năm về trước.

Kỳ tích của Phi đội Quyết thắng
Chiều 27-4-1975, Tư lệnh Lê Văn Tri cùng phi đội Quyết thắng chuẩn bị phương án chiến đấu.
Ảnh: XUÂN ÁT.

Đầu tháng 4-1975, Quân chủng Phòng không - Không quân đã chuẩn bị phương án dùng máy bay địch đánh địch. Ngày 19-4, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lệnh cho Không quân chuẩn bị sẵn sàng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Mạnh - Tham mưu phó Quân chủng (nay là Phó Tham mưu trưởng Quân chủng) chịu trách nhiệm về cách đánh; công tác huấn luyện chuyển loại phi công được giao cho đồng chí Phạm Ngọc Lan - Chủ nhiệm bay Quân chủng; công tác bảo đảm kỹ thuật hàng không do đồng chí Hồ Thanh Minh - Phó Phòng Kỹ thuật máy bay của Quân chủng đảm nhiệm. Việc di chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng bằng máy bay vận tải quân sự được chia làm hai đợt, đợt một vào ngày 20-4, gồm phi công Từ Đễ, Dương Bá Kháng, Nguyễn Văn Thọ và ngày 22-4 các phi công Nguyễn Văn Lục, Trần Cao Thăng, Hán Văn Quảng, Tạ Đông Trung, Vũ Khởi Nghĩa, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Phú Ninh. Vừa vào đến nơi các phi công đã nhanh chóng học lý thuyết và thực hành chuyển loại từ máy bay Mig-17 sang lái A37. Tổ kỹ thuật do đồng chí Hồ Thanh Minh phụ trách vừa phải bảo đảm kỹ thuật ở Sân bay Đà Nẵng vừa phải đi Phù Cát tìm máy bay tốt, vì ở Sân bay Đà Nẵng chỉ còn 2 chiếc A37 bay được.

Kỳ tích của Phi đội Quyết thắng
Tư lệnh Lê Văn Tri giao nhiệm vụ cho Phi đội Quyết thắng trước giờ xuất kích chiều 28-4-1975.
Ảnh: XUÂN ÁT.

12 giờ 45 phút ngày 27-4, theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân chủng, toàn phi đội chuyển từ Sân bay Đà Nẵng vào Sân bay Phù Cát. Hai phi công Nguyễn Thành Trung, Hoàng Mai Vượng lái máy bay A37, còn các phi công khác đi bằng máy bay vận tải An-24. 

Từ trước đó, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri cùng với Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Hoàng Ngọc Diêu, Tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Hanh, Tham mưu phó Quân chủng Trần Mạnh, Phó Tư lệnh Sư đoàn không quân 371 Nguyễn Hồng Nhị vào Sân bay Phan Rang bằng máy bay An-24. Tư lệnh Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ chiến đấu cho phi đội. Mục tiêu oanh tạc là khu vực tập trung để máy bay chiến đấu và vận tải của lực lượng không quân Ngụy trên Sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi nhận nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Không quân đã cùng Phi đội Quyết thắng bàn bạc, thảo luận kế hoạch tác chiến, phân công vị trí bay trong đội hình, tổ chức hiệp đồng, dự kiến tình huống bất trắc và cách xử trí, quy định về thông tin liên lạc phải tuyệt đối bí mật. Phi công Nguyễn Thành Trung, người thành thạo địa hình, được phân công dẫn đầu phi đội. Không khí lúc này hết sức khẩn trương, anh em đều quyết tâm cao nhất và rất vững tâm với trận đánh cuối cùng vào sào huyệt quân địch. Thời gian ta chọn đánh vào lúc trời sẩm chiều, thời điểm này các lực lượng địch lơ là, thiếu cảnh giác nhất. Để bảo đảm bí mật tuyệt đối, ta quy định không nói vô tuyến điện mà chỉ dùng Micrô bóp theo ký hiệu khi bay qua các điểm kiểm tra.

Kỳ tích của Phi đội Quyết thắng
Phi đội Quyết thắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về trên Sân bay Phan Rang chiều tối 28-4-1975.
Ảnh: XUÂN ÁT.

16 giờ 25 phút pháo hiệu bắn 2 phát, Phi đội Quyết Thắng xuất kích. Đi đầu là phi công Nguyễn Thành Trung số 1, tiếp theo là Từ Đễ số 2, Nguyễn Văn Lục số 3, Hán Văn Quảng số 4, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On số 5. Mỗi máy bay mang 4 quả bom cất cánh rời đường băng nhằm hướng Sân bay Tân Sơn Nhất, ở độ cao khoảng 200 mét đến 300 mét dưới mây để tránh ra đa địch phát hiện. Đến điểm cao 2858 (cách phía Bắc Hàm Tân 17 km), sở chỉ huy cho phi đội điều chỉnh hướng bay, tăng độ cao để chuẩn bị tiếp cận mục tiêu. Từ độ cao 5.500 foot (tương đương 1650 mét), số 1 bổ nhào xuống mục tiêu đến độ cao 1.500 foot (tương đương 450 mét) thì cắt bom, lửa khói trùm lên khu vực máy bay địch đang đỗ. Tiếp theo sau Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On cũng lần lượt vào công kích chính xác mục tiêu. Phi công Nguyễn Thành Trung phải đến lần thứ 3 mới cắt hết bom, máy bay của Nguyễn Văn Lục chỉ cắt được 2 quả bom, còn 2 quả mang về. Lửa khói ngợp trời, bom nổ rung chuyển cả TP Sài Gòn, quân địch kinh hoàng và hoảng loạn vì bị bất ngờ, chúng không hiểu máy bay A37 từ đâu tới, các lực lượng không quân và phòng không của chúng không kịp trở tay.

Kỳ tích của Phi đội Quyết thắng
Cảnh tan hoang trên Sân bay Tân Sơn Nhất sau khi bị Phi đội Quyết thắng oanh kích.
 Ảnh: XUÂN ÁT.

Sau khi ném bom trúng mục tiêu đã định và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phi đội tập hợp đội hình bay theo hướng Đông Sài Gòn, men theo bờ biển trở về Sân bay Phan Rang. 18 giờ 15 phút ngày 28-4-1975, chiếc máy bay cuối cùng của phi đội hạ cánh an toàn, đó chính là máy bay của phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục, là người chỉ huy đội hình nên khi 4 máy bay của đồng đội hạ cánh an toàn ông mới hạ cánh sau cùng. Không khí ở Sân bay Phan Rang tưng bừng phấn khởi với tiếng reo vui của cán bộ, chiến sĩ trước chiến công oanh liệt của Phi đội Quyết thắng đã thắng lợi trở về. Riêng Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri đã đến từng máy bay đón chào và ôm các phi công để chúc mừng.

Trận tập kích đường không vào Sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết thắng chiều 28-4-1975 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cho 5 cánh quân của ta đã áp sát cửa ngõ Sài Gòn có đủ cơ hội tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch để giải phóng Sài Gòn trong niềm hân hoan chiến thắng; một kỳ tích của Không quân nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

VŨ HẢI HẠ
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website