13 giờ:40 phút Thứ hai, ngày 21 tháng 4 , 2025

Ký ức tháng Tư

Đà Nẵng một ngày giữa tháng Tư lịch sử. Gió sông Hàn mát rười rượi, nắng nhẹ trải dài trên những con phố bình yên. Giữa không gian yên bình ấy, ký ức lịch sử bỗng ùa về với Thiếu tướng Phan Thanh Giảng - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ (hiện ở tại Tổ 29, An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng), người từng trực tiếp tham gia các trận đánh vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ, Ngụy tại Sài Gòn.

Ký ức tháng Tư
Thiếu tướng Phan Thanh Giảng - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ bên cuốn Hồi ký “Đường tới thành phố”.

Cuộc hành quân thần tốc và chốt chặn Đường 13

Trong Hồi ký “Đường tới thành phố”, Thiếu tướng Phan Thanh Giảng ghi tường tận cuộc hành quân thần tốc 15 ngày đêm từ Lệ Thủy (Quảng Bình) vượt Trường Sơn, qua đất Bạn Lào, Campuchia với chặng đường hơn 2.000km để tập kết vào Nam; những trận đánh lừng danh chốt chặn tuyến đường từ Bàu Bàn đến Chơn Thành, tỉnh Bình Long (nay là thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), trận quyết chiến Xuân Lộc và tiến vào Dinh Độc Lập. Lần giở từng trang Hồi ký, Thiếu tướng Phan Thanh Giảng kể lại: “Ngày 23-11-1972, Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam) được thành lập tại Nam Đàn, Nghệ An. Đơn vị hành quân vào Quảng Bình làm nhiệm vụ dự bị chiến lược của Bộ, sẵn sàng đánh địch lấn chiếm Miền Bắc. Tháng 2-1975, trước yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Sư đoàn hành quân tham gia giải phóng Miền Nam. Khi ấy tôi là chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273. Trong Lễ xuất quân đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3-2-1975), đồng chí Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã giao nhiệm vụ và động viên cán bộ, chiến sĩ toàn Sư đoàn. Để tổ chức cho Sư đoàn hành quân vào Nam, Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn) huy động gần 500 xe vận tải”

Chậm rãi nhấn mạnh từng sự kiện, Thiếu tướng Phan Thanh Giảng kể tiếp: Ngày 28-2, đoàn xe dừng lại ở rừng cao su Minh Hòa tại xã Minh Hòa, quận Chơn Thành, tỉnh Bình Long (nay thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh). Từ đây cách Sài Gòn khoảng 90km. Tại nơi trú quân, Sư đoàn được giao nhiệm vụ tác chiến trên 2 hướng: Phối hợp với Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) tác chiến khu vực Đường 13 từ Bàu Bàn đến Chơn Thành (phía Bắc Sài Gòn) và Khu vực Đường 20 (từ La Ngà đến Xuân Lộc, Long Khánh). Nơi đây, địch khá đông, có 1 liên đoàn biệt động quân ở An Lập, Liên đoàn 31 ở Chơn Thành, Tiểu đoàn 366, Chiến đoàn 7 và 8 của Sư đoàn 5 Ngụy.

Liên tục từ ngày 5 đến 30-3, mặc cho cái oi nồng của thời tiết khắc nghiệt vùng Nam Bộ; vắt núi, muỗi rừng nhiều vô kể; những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù; nơi “đói cơm, lạc muối”, giữa lằn ranh sinh tử... những chiến sĩ trẻ từ Miền Trung, Miền Bắc trong đội hình Sư đoàn 341 đã chiến đấu kiên cường, quả cảm. Những địa danh như: Xóm Rớt, Dầu Tiếng, Bàu Bàn, Chơn Thành, An Lộc... gắn với những trận đánh quyết liệt, giằng co của Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 bẽ gãy từng đợt phản công, nống lấn, lấn chiếm có cả xe tăng, phi pháo, vũ khí hạng nặng của quân Ngụy. “Hơn chục lần lấn chốt Xóm Rớt không thành công. Địch chuyển sang nghi binh. Khoảng 14 giờ ngày 23-3-1975, từ phía Nam chúng tôi phát hiện có 5 cô gái đang đi vào chốt, cách chừng 30m. Chúng tôi phán đoán đây không phải là dân thường mà có thể gái mại dâm phục vụ quân Ngụy. Sau khi phát hiện Trung đội thông báo cho bộ đội phải cảnh giác cao, xem xét mọi hoạt động của địch, chúng định giở trò gì đây? Bộ đội căng mắt theo dõi bỗng phát hiện, chếch về phía Bắc có khoảng một trung đội lính biệt động, lợi dụng địa hình, địa vật đang vận động để tiến vào chốt của ta. Đúng là nó cho gái vào trận địa của ta để bộ đội ta thiếu cảnh giác, chúng bất ngờ đánh vào lấn chốt. May mà ta cảnh giác phát hiện sớm không mắc mưu địch” – Thiếu tướng Phan Thanh Giảng viết trong Hồi ký.

Một lần, trong trận chiến bảo vệ chốt tại Xóm Rớt, chàng chiến sĩ trẻ Phan Thanh Giảng suýt chết bởi pháo tăng của địch: “Lúc đó địch dùng pháo tăng và M79, cối 81 bắn sang. Đoạn giao thông hào nơi gần cửa hầm tôi bị đạn pháo làm sạt lở. Tôi nhảy qua đoạn sạt lở đó để tiếp tục quan sát đánh địch, ngay lúc đó một quả pháo tăng bắn đúng chỗ tôi vừa nhảy qua. Thật hú vía, nếu chậm 2 hoặc 3 giây có lẽ tôi đã trúng. Tròn 20 ngày làm nhiệm vụ trên chốt, trong điều kiện ăn ngủ dưới hầm hào, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng. Hàng ngày vật lộn với những cơn khát, với muỗi rừng và với biết bao nhiêu đợt phản kích, pháo kích ác liệt của địch. Đại đội 9 chúng tôi đã kiên cường trụ vững, liên tục đánh địch giữ chốt, tạo điều kiện cho các lực lượng của ta áp sát hơn nữa vào Sài Gòn” - Thiếu tướng Phan Thanh Giảng bồi hồi kể lại.

Lật cánh về Xuân Lộc

Cuộc chiến quyết liệt giữa ta và địch mà Thiếu tướng Phan Thanh Giảng vẫn nhớ mãi là cuộc lật cánh về Xuân Lộc - phía Đông Sài Gòn. Trong khi Trung đoàn 273 chốt chặn Đường 13, đánh Chi khu quận lỵ Chơn Thành thì trên một hướng khác, Đoàn 2 của Sư đoàn 341 gồm 2 trung đoàn bộ binh 266 và 270 cùng Trung đoàn 55 Pháo binh, một số đơn vị tiếp quản Chi khu Định Quán, La Ngà, Phương Lâm (do Sư đoàn 7 vừa giải phóng trước đó) và sẵn sàng đánh địch lấn chiếm. Tại đây, Quân đoàn 4 và Sư đoàn 341 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 270 (thiếu Tiểu đoàn 6) chốt giữ đường 20 (đoạn đường huyết mạch từ Định Quán đi Lâm Đồng). Đồng thời, nghiên cứu chiến trường chuẩn bị cho Trung đoàn 270 đánh vào Túc Trưng và Trung đoàn 266 đánh vào Gia Tân, Gia Kiệm... Các chiến thắng này góp phần đánh bại âm mưu co cụm của địch, làm cho ngụy quân, ngụy quyền suy yếu, tạo điều kiện cho ta tập trung lực lượng trong trận quyết chiến cuối cùng. “Ngày 6-4-1945, toàn Trung đoàn hành quân lật cánh về Long Khánh để tăng cường lực lượng cho Sư đoàn và các cánh quân của ta đánh Xuân Lộc. Chúng tôi hành quân bộ theo Đường 13, đi qua Chơn Thành, sau đó đi theo Đường 14 qua thị xã Phước Long đến Đồng Xoài. Quốc lộ 13 sau cuộc chiến gần 1 tuần, xác địch la liệt. Chắc là bọn địch bỏ chạy không kịp chôn cất” – Thiếu tướng Phan Thanh Giảng kể lại.

Lúc này, quân Ngụy đã tập trung vào Xuân Lộc toàn bộ Sư đoàn 18 bộ binh (gồm các chiến đoàn 43, 48 và 52), Liên đoàn 33 biệt động quân; bốn tiểu đoàn bảo an (340, 342, 343, 367); các đơn vị tăng (Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 bộ binh), Lữ đoàn 3 thiết kỵ, hai tiểu đoàn pháo binh (181, 192); Lữ đoàn 1 dù (với các Tiểu đoàn 1, 2, 8, 9), Tiểu đoàn 3 pháo binh dù; lực lượng tại chỗ hơn 3.000 dân vệ, quân cảnh và phòng vệ dân sự. Ngoài ra còn được 2 sư đoàn không quân từ phi trường Biên Hòa và Cần Thơ yểm trợ chiến thuật. Như vậy để cố thủ nơi đây, địch đã tập trung trên 30% bộ binh, 40% pháo binh và gần hết xe tăng, thiết giáp của Quân đoàn 3, Quân khu 3 và lực lượng tổng dự bị chiến lược của Sài Gòn. Cùng với đó là hệ thống phòng thủ kiên cố. Chúng còn dùng cả bom CPU (loại bom hủy diệt lớn, thế giới cấm sử dụng). Khi nổ, bom tạo ra đám mây chất lỏng, đường kính 500m, dày 2m, gây cháy và áp suất lớn, nếu thoát khỏi cháy vẫn bị chết ngạt do thiếu khí. Riêng Sư đoàn 341có 200 cán bộ, chiến sĩ bị thương, vong do bom CPU gây nên.

Sau khi Quân đoàn 2 (Đoàn Hương Giang) đập tan “lá chắn Phan Rang”, giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân đã trực tiếp cô lập Xuân Lộc. Tại Xuân Lộc, Sư đoàn 341 chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 4 (thiếu Sư đoàn 9), tăng cường Sư đoàn bộ binh 6 (Quân khu 7) và trung đoàn tăng, thiết giáp, trung đoàn pháo binh, tăng cường Trung đoàn 95B (Sư đoàn bộ binh 325), đại đội xe tăng do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm tư lệnh và Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm chính ủy. Đến ngày 21-4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng. Ta tiêu diệt và làm bị thương hơn 2.050 quân Ngụy, bắt sống hơn 2.730 tên.

Ký ức tháng Tư
Cùng đồng đội kiên cường giữ chốt. (Ảnh chụp từ Hồi ký “Đường tới thành phố” của Thiếu tướng Phan Thanh Giảng)

Tiến về Dinh Độc Lập

Chiến thắng Xuân Lộc đập tan “cánh cửa thép” từ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển hệ thống phòng thủ còn lại của địch quanh Sài Gòn và làm suy sụp nhanh tinh thần chiến đấu của Ngụy. Đồng thời, tạo bàn đạp cho các đơn vị ta tiến công vào Sài Gòn từ hướng Đông. Mở ra thời cơ chiến lược quyết định cho ta giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Thời cơ chín muồi, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy Chiến dịch do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Ngay trong đêm 21-4, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 đánh chiếm Trảng Bom, Biên Hòa, tiến vào Sài Gòn theo đường bộ. Được tham gia Chiến dịch này, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 vô cùng phấn khởi.

Ngay khi nhận nhiệm vụ, ngày 25-4, Thiếu tướng Hoàng Cầm giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 341 tiến công tiêu diệt địch từ ngã 3 Sông Thao đến Suối Đĩa, trọng tâm là yếu khu Trảng Bom, bao vây, tiêu diệt gọn không cho địch chạy về Biên Hòa, mở đường cho Quân đoàn 4 giải phóng Biên Hòa. Với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”, toàn Sư đoàn 341 bước vào trận đánh với khí thế tiến công mãnh liệt, quật khởi. Liên tiếp những chuỗi ngày sau đó, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn bất kể ngày đêm bày binh, bố trận, tập trung toàn lực, kiên quyết tiêu diệt địch trong thời gian ngắn nhất. 17 giờ ngày 26-4, tiếng súng đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra từ hướng Đông. Trận đánh quyết liệt, giằng co với địch, đến 10 giờ 30 ngày 27-4, toàn bộ địch tại yếu khu Trảng Bom bị ta tiêu diệt và bắt sống. “Tuy ta thắng lợi giòn giã. Nhưng nhiều đồng đội đã nằm lại chiến trường. Nhiều đồng chí bị cụt cả chân đau lòng lắm” - Giọng Thiếu tướng Phan Thanh Giảng chùn xuống, ánh mắt dõi xa xăm, ngấn lệ.

Chiến sự tiếp diễn từ ngày 28 đến 30-4, Sư đoàn phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị bạn phát triển chiến đấu từ Hố Nai đến Biên Hòa, tiến vào Sân bay Biên Hòa chiếm căn cứ Sư đoàn 3 không quân Ngụy, đánh chiếm căn cứ pháo binh Hốc Bà Thức, đánh vào Long Bình. Đến 10 giờ ngày 30-4, Quân đoàn 2 đánh tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch, 5 cánh quân, các binh đoàn chủ lực của ta tiến vào Sài Gòn như thác đổ trong đó có Trung đoàn 266, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 270), Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 273), Tiểu đoàn 14 (Trung đoàn 14) của Sư đoàn 341. Lúc ấy, mặc dù chân đang bị thương, nhưng người chiến sĩ trẻ Phan Thanh Giảng vẫn cố gượng ngồi trên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Đến xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn đường chật như nêm do Ngụy bày chướng ngại vật và người dân ra đường mừng chiến thắng, mãi đến 13 giờ 30 đơn vị ông mới vào đến Dinh Độc Lập.

Được phân công làm nhiệm vụ quân quản, Trung đoàn 266 tiếp quản Nha Cảnh sát Đô thành, Tiểu đoàn 3 (đơn vị Thiếu tướng Phan Thanh Giảng) và Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 270 ở cảng Bạch Đằng, Tiểu đoàn 14 Phòng không chiếm trường đua Phú Thọ. Các đơn vị còn lại của Sư đoàn 341 dừng lại ở sân bay Biên Hoà, Thủ Đức và Tam Hiệp. Vài ngày sau, Tiểu đoàn 3 về đóng quân tại Quận 11 rồi chuyển đến sân bay Biên Hoà củng cố lực lượng. “Khi đang điều trị tại bệnh xá Sư đoàn, nhận được tin Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng trên Đài Phát thanh. Chúng tôi ôm nhau reo hò, vỡ oà, sung sướng. Nhiều người lặng đi bàng hoàng, xúc động, nước mắt giàn dựa trên má, những giọt nước mắt trong niềm vui sướng đến tột cùng và những giọt nước mắt tưởng nhớ các đồng chí, động đội đã anh dũng hi sinh cho đất nước ngày toàn thắng” – Thiếu tướng Phan Thanh Giảng chia sẻ.

Ngày tổ chức ăn mừng chiến thắng, anh em không ai bảo ai choàng vai nhau, tay trong tay, ai ai cũng tưởng nhớ về vị lãnh tụ muôn vàng kính yêu của dân tộc. “Bác Hồ ơi! Ước nguyện của Người đã thành sự thật. Lớp lớp thế hệ con cháu của Bác đã “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” thu giang sơn về một mối. Đất nước thống nhất ca khúc khải hoàn, trọn niềm vui” – Thiếu tướng Phan Thanh Giảng viết.

QUANG HÙNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website