Tập trung dân chủ - Giải pháp cốt lõi để xây dựng tổ chức Đảng
Nguyên tắc tập trung dân chủ (TTDC) là nguyên tắc rường cột để xây dựng Đảng thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi người, vừa tạo nên sức mạnh tổng hợp của tổ chức; đồng thời chỉ đạo toàn bộ, xuyên suốt quá trình xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của Đảng nói chung và các tổ chức đảng nói riêng.

Hội nghị Đảng ủy Trung đoàn 293, Sư đoàn 361 họp phiên thứ nhất biểu quyết kết quả bầu Ban Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn nhiệm kỳ 2025-2030.Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng, thực tiễn công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã từng bước bổ sung, phát triển, hoàn thiện hệ thống các nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo và sinh hoạt của Đảng gồm: Tập trung dân chủ; Tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất trong Đảng; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, TTDC là nguyên tắc căn bản nhất, đóng vai trò chi phối các nguyên tắc khác. Thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ giúp công cuộc xây dựng Đảng được trong sạch và vững mạnh hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Để làm cho Đảng mạnh thì phải mở rộng dân chủ, thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật”; để thực hiện nguyên tắc TTDC trong lãnh đạo cấp bộ đảng phải thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, “mọi việc đều bàn bạc một cách dân chủ và tập thể. Khi đã quyết định rồi, thì phân phối công tác phải rạch ròi, giao cho một hoặc mấy đồng chí phụ trách làm đến nơi đến chốn” và dân chủ phải đi đôi với tập trung “Phải kiên quyết thực hành kỷ luật, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục từng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương” .
Vì vậy, TTDC là nguyên tắc quy định cách tổ chức, hoạt động của Đảng, trong đó, tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ đi đôi với tập trung; đảng viên của Đảng bình đẳng về quyền và trách nhiệm; cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra; thực hiện tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách; công việc của Đảng được quyết định theo đa số; thiểu số phục tùng đa số; tổ chức đảng cấp dưới phục tùng tổ chức đảng cấp trên; đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng… Những điều này đã được quy định cụ thể tại Điều 9, Chương II, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cùng với đó, hơn 95 năm qua, tổng kết công tác xây dựng Đảng, Đảng ta cũng đã khẳng định: Quá trình phát triển Đảng gắn liền và kiên trì, từng bước cụ thể hóa nguyên tắc TTDC. Nhờ thực hiện nguyên tắc này mà Đảng ta giữ vững và phát triển được tổ chức, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng. Tuy nhiên thời gian qua, không ít tổ chức đảng, cá nhân trong và ngoài Quân đội quán triệt nguyên tắc TTDC không nghiêm, thực hiện không triệt để dẫn đến tình trạng buông lỏng, mất vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở tại cơ quan, đơn vị đó. Dẫn đến một số cán bộ cấp cao, chủ trì, chủ chốt vi phạm kỷ luật, pháp luật, bị xử lý kỷ luật, thậm chí có trường hợp bị truy tố.
Để nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức Đảng, đòi hỏi cấp ủy các cấp và cơ quan chính trị cần làm tốt công tác giáo dục, quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất cho mọi cán bộ, đảng viên về nguyên tắc TTDC; phương pháp giải quyết các mối quan hệ đoàn kết nội bộ; chỉ rõ những biểu hiện vi phạm, những nhận thức lệch lạc thường gặp trong thực hiện nguyên tắc TTDC. Qua đó giúp mỗi đảng viên, tổ chức đảng nhận thức rõ về quyền và trách nhiệm của mình.
Cùng với đó, cụ thể hóa nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và chế độ trách nhiệm của cán bộ chủ trì, xây dựng và bổ sung các quy định, quy chế thực hiện nguyên tắc TTDC. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng và người đứng đầu. Những vấn đề thuộc quyền quyết định của tập thể phải bàn bạc, quyết định theo đa số, mọi thành viên phải chấp hành quyết định của tập thể. Phát huy vai trò của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các quyết định của tổ chức đảng; chống độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng hay dựa dẫm, ỉ lại, bao biện, làm thay.
Thường xuyên duy trì việc thực hiện các chế độ, nền nếp sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng, chú trọng đổi mới việc tổ chức và điều hành hội nghị theo hướng mở rộng dân chủ, khuyến khích tranh luận thẳng thắn; tôn trọng, tập hợp và xem xét, tiếp thu ý kiến đúng đắn của đảng viên và các cấp ủy viên. Khi có ý kiến khác nhau phải thảo luận kỹ, đối với những vấn đề quan trọng phải biểu quyết; khi cần phải điều tra, khảo sát, làm thí điểm rồi kết luận rõ ràng.
Nâng cao chất lượng phê bình và tự phê bình trong tổ chức Đảng. Cấp ủy các cấp phải xây dựng kế hoạch, quy định cụ thể nội dung, thời gian tiến hành tự phê bình và phê bình; chống cách làm hình thức, chiếu lệ, không sửa chữa khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình. Xử lý nghiêm khắc những người có thái độ trấn áp, trù dập người phê bình hay lợi dụng tự phê bình và phê bình để tâng bốc, nịnh hót cũng như vu cáo, đả kích cá nhân, gây mật đoàn kết nội bộ.
Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ và bám sát nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời đề cao trách nhiệm của các tổ chức, người đứng đầu tổ chức. Cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền phải chủ trì và chịu trách nhiệm công tác tổ chức cán bộ theo đúng nguyên tắc TTDC, tập thể quyết định; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Đổi mới và hoàn thiện chế độ bầu cử, thực hiện bầu cử có số dư, mở rộng quyền tiến cử và tự ứng cử, giới thiệu nhiều phương án nhân sự trong bầu cử và bổ nhiệm cán bộ.
Không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, rèn luyện đội ngũ đảng viên. Yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật; tự giác đặt mình trong sự quản lý của chi bộ, tham gia sinh hoạt đầy đủ, tuân thủ kỷ luật Đảng. Cán bộ, đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết, không được tuyên truyền ý kiến riêng trái với nghị quyết. Ở những nơi có biểu hiện mất đoàn kết thì cấp uỷ cấp trên phải trực tiếp chỉ đạo việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình…
ĐÌNH KÝ