Nét đẹp văn hóa công sở ở Nhà máy A41
Trong những năm qua, Phong trào “Quân đội thi đua thực hiện văn hóa công sở, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” được cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng Nhà máy A41 hưởng ứng thực hiện hiệu quả, xây dựng văn hóa công sở trong toàn Nhà máy chính quy, mẫu mực. Từ đó, góp phần xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú; nâng cao chất lượng tổng hợp và năng lực sửa chữa trang bị kỹ thuật của Nhà máy.

Sửa chữa máy bay huấn luyện L-39 tại Nhà máy A41.Một ngày làm việc mới tại Phân xưởng 3, Nhà máy A41, được bắt đầu bằng bầu không khí hết sức ấm áp, thân tình bởi những nụ cười, những lời thăm hỏi lẫn nhau của những người đồng chí, đồng đội. Mặc dù còn ít phút nữa mới đến giờ làm việc nhưng toàn thể cán bộ, công nhân quốc phòng của Phân xưởng đã có mặt đông đủ, trang phục nghiệp vụ chỉnh tề, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Đến giờ làm việc, chỉ huy Phân xưởng tập trung toàn bộ quân số, phổ biến, quán triệt nhiệm vụ trong ngày, những công việc đột xuất và phân công lực lượng tham gia thực hiện. Sau khi nhận nhiệm vụ, các bộ phận báo cáo ý kiến đề xuất với chỉ huy phân xưởng và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc, hiệu quả.
Còn tại Phân xưởng May dù hàng không, những nữ lính thợ trong trang phục nghiệp vụ, vừa thoăn thoắt thao tác trên dây chuyền may, vừa trao đổi những vấn đề có liên quan giữa các vị trí trong chuyền may, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm khi hoàn thành. Suốt quá trình làm việc của Tổ may dù hàng không, công nhân viên quốc phòng Trần Thị Bích Ngọc - Tổ trưởng thường xuyên quán xuyến công việc, đến tận từng vị trí dây chuyền may để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, động viên chị em làm việc. Giọng nói nhẹ nhàng, thái độ ân cần, niềm nở của chị đã góp phần tạo nên bầu không khí làm việc vừa khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả, vừa cởi mở, đầm ấm, thân thiết.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để xây dựng văn hóa công sở đạt hiệu quả, trong những năm qua, Phân xưởng 3 đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực. Trong đó, đơn vị chú trọng biện pháp nêu gương. Hằng ngày, chỉ huy Phân xưởng, tổ trưởng các tổ sản xuất luôn là người đến sớm và rời Phân xưởng sau cùng, tuân thủ nghiêm túc mọi quy định về trang phục, nội quy, an toàn. Việc phê bình hay biểu dương nhân viên luôn bảo đảm đúng người, đúng việc. Việc “nói ít, làm nhiều” trở thành một nét văn hóa lãnh đạo, chỉ huy đặc trưng của Phân xưởng. Cùng với đó, Phân xưởng thực hiện đưa văn hóa vào quy trình sản xuất và sinh hoạt. Mỗi buổi sáng, tổ trưởng có 5 phút sinh hoạt đầu giờ: Điểm danh, nhắc nhở các quy định an toàn, chia sẻ nhanh tình hình của tổ. Khi bàn giao thiết bị, chỉ huy Phân xưởng yêu cầu kỹ thuật viên phải thực hiện đúng quy định: Kiểm kê - ghi sổ - xác nhận chéo. Trong giờ nghỉ giải lao, cán bộ quản lý không tách biệt mà cùng ngồi với công nhân, vừa giữ sự gần gũi, vừa kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của anh em. Ngoài ra, Phân xưởng cũng thường xuyên làm tốt việc quán triệt, giáo dục nâng cao tinh thần tự giác, tự quản trong nội bộ; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao; gắn công tác xây dựng văn hóa công sở với công tác thi đua, khen thưởng; xây dựng văn hóa phản hồi, đối thoại thẳng thắn, dân chủ, công khai, cởi mở trong đơn vị.
Trung tá Nguyễn Thành Luân - Quản đốc Phân xưởng 3 cho biết: “Sau quá trình tích cực, bền bỉ thực hiện các biện pháp, Phân xưởng đã có những chuyển biến rõ rệt: Tỷ lệ vi phạm nội quy, quy định giảm mạnh; hiệu suất phối hợp trong từng tổ và giữa các tổ với nhau tăng đáng kể; môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp; cán bộ, công nhân viên trẻ trưởng thành nhanh hơn nhờ môi trường văn hóa tích cực. Đặc biệt là, chúng tôi tạo ra được một không gian làm việc mà mỗi người đều cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe và được cống hiến”.
Theo Đại tá Nguyễn Đức Bắc - Chính ủy Nhà máy, thực hiện Phong trào “Cán bộ, QNCN, CNQP Nhà máy A41 thi đua thực hiện văn hóa công sở, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Nhà máy chú trọng làm tốt công tác giáo dục, quán triệt, xây dựng động cơ thi đua cho cán bộ, công nhân; phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, các tổ chức quần chúng; tổ chức phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện phong trào. Từ những chủ trương, giải pháp cụ thể, sát thực đã góp phần xây dựng Nhà máy văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; chất lượng sửa chữa các loại trang bị kỹ thuật được nâng lên; nền nếp xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật được giữ vững. Cùng với đó, nhận thức và hành động của mỗi người trong tu dưỡng, rèn luyện nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, kỷ cương, kỷ luật hành chính, trang phục, lễ tiết tác phong được tăng cường… Đó là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tích cực xây dựng Nhà máy có môi trường văn hóa tốt, vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Bài, ảnh: CÔNG GIANG