22 giờ:42 phút Chủ nhật, ngày 27 tháng 4 , 2025

Trận đánh then chốt mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh ở hướng Đông Bắc

Thiếu tướng Phan Thanh Giảng - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) là một trong những chiến sĩ của Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 tham gia các cánh quân phía Đông đánh vào cửa ngõ Sài Gòn tháng 4-1975. Mặc dù, chiến tranh đã lùi xa 50 năm, nhưng ông vẫn nhớ như in những ngày cùng đoàn quân ta tiến công như vũ bão về giải phóng Sài Gòn. Tham gia các trận đánh vào tuyến phòng ngự dày đặc của địch gặp rất nhiều khó khăn và mất mát, hi sinh song cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu cùng các đơn vị đánh bại tuyến phòng thủ Xuân Lộc, đập tan cánh cửa thép, tạo thế và lực đẩy nhanh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Trận đánh then chốt mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh ở hướng Đông Bắc của Sư đoàn 341 
Thiếu tướng Phan Thanh Giảng - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ (người cầm micro) nói chuyện truyền thống tại buổi gặp mặt nhân chứng lịnh sử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh do TP Đà Nẵng tổ chức (tháng 4-2025). Ảnh: KHÁNH NGÂN

Thiếu tướng Phan Thanh Giảng kể lại: Sau khi quân và dân ta giải phóng 16 tỉnh, thành phố ở Miền Trung, nhất là sau khi tuyến phòng thủ Xuân Lộc bị đập tan, cục diện chiến tranh đã phát triển nhảy vọt. Lực lượng quân sự, chính trị và thế chiến lược của ta đã hoàn toàn áp đảo quân địch. Ngụy quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn. Mỹ bất lực, dù có can thiệp thế nào cũng không cứu nổi sự sụp đổ của quân Ngụy.

Trước tình hình trên, chúng tôi được thông báo: Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại. Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được thành lập, đồng chí Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị cử làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trước ngày 19-5-1975. Thời cơ chiến lược đã đến, đêm 21-4, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 đánh chiếm Trảng Bom, Biên Hoà, tiến vào Sài Gòn theo trục đường bộ. Được tham gia trận chiến lịch sử này, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 chúng tôi vô cùng phấn khởi, tự hào và háo hức được ra trận.

Những ngày này, bọn Ngụy quân, Ngụy quyền Sài Gòn đang dốc hết sức lực cố giữ Sài Gòn, để mặc cả với ta nhằm đi đến một giải pháp chính trị khả dĩ cứu cho chúng khỏi hoàn toàn sụp đổ. Trên các hướng chính vào Sài Gòn, chúng hối hả thiết lập các tuyến phòng thủ dày đặc. Riêng hướng Đông - Bắc, từ Trảng Bom vào Hố Nai - Biên Hoà - Long Bình…địch gom đủ lực lượng dồn vào cái túi này. Yếu khu Trảng Bom nằm trên đường số 1, cách Biên Hoà 30km về phía Đông, Đông - Đông Bắc. Sau khi thất thủ ở Xuân Lộc, Quân đoàn 3 của Ngụy lệnh cho Sư đoàn 18 (chưa kịp củng cố) ra xây dựng tuyến phòng thủ Trảng Bom. Chúng bố trí: Chiến đoàn 48 ngăn chặn phía Đông Trảng Bom bao gồm các ấp Hưng Nghĩa, Dương Ngô, Bàu Cá và Sân bay; Chiến đoàn 43 phía Tây - Nam và ga Sông Mây; Chiến đoàn 3 của Lữ đoàn 3 kỵ binh bố trí từ Trảng Bom đến Suối Đĩa; Thiết đoàn 5 ở Tây - Bắc Sân bay; lực lượng Pháo binh có 20 khẩu 155mm và 105mm của Tiểu đoàn 183 Sư đoàn 18 bố trí thành 7 trận địa từ Bàu Cá đến ngã 3 Sông Thao; Tiểu đoàn 368 Bảo An, một Đại đội Bảo an biệt lập, bảy Trung đội dân vệ trực tiếp bảo vệ Yếu khu Trảng Bom.

Về phía ta, ở cánh quân hướng Đông - Bắc, mọi công tác chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược đang được Quân đoàn 4 triển khai. Sư đoàn 341 được giao nhiệm vụ tiến công yếu khu Trảng Bom, là trận mở màn của Chiến dịch Hồ Chí Minh cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn theo đường số 1 và đường xa lộ Biên Hoà. Đây cũng là trận tác chiến hiệp đồng quân binh chủng lớn nhất, đầy đủ các lực lượng nhất của Sư đoàn 341 chúng tôi kể từ khi vào chiến trường.

Sau khi nhận nhiệm vụ của trên, ngày 25-4, Thiếu tướng Hoàng Cầm - Tư lệnh Quân đoàn giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 341 được tăng cường 1 Tiểu đoàn Xe tăng (13 chiếc), 1 Tiểu đoàn Cao xạ hỗn hợp, 1 Đại đội Pháo 105mm; tiến công tiêu diệt địch từ ngã ba Sông Thao, yếu khu quân sự Trảng Bom đến Suối Đĩa; bao vây chặt, tiêu diệt gọn không cho địch chạy thoát về Biên Hòa. Thời gian nổ súng là đêm 26 rạng sáng 27-4-1975.

Trước đó, khi chờ nhận nhiệm vụ mới, các đơn vị của Sư đoàn tranh thủ phổ biến, huấn luyện cho bộ đội cách đánh vào thành phố, đánh tiến công trong hành tiến, cách lên xuống xe lúc gặp địch, học tập các ký, tín hiệu bắt liên lạc với nhau…Với tinh thần: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”, sau khi hành quân về vị trí mới chuẩn bị đánh Trảng Bom, các đơn vị gấp rút chuẩn bị tốt về mọi mặt để bước vào trận đánh quyết định trong lịch sử. 

Để hoàn thành nhiệm vụ Quân đoàn giao, Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị: Tập trung toàn bộ binh hỏa lực, kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch trong một thời gian ngắn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng xốc lại lực lượng, sẵn sàng cùng với các đơn vị bạn phát triển vào giải phóng Biên Hoà, Sài Gòn khi có thời cơ và có lệnh của Quân đoàn. Chiều 26-4 trong khu rừng trú quân, đơn vị tập hợp trang nghiêm, quân phục chỉnh tề, nghe phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Miền Nam. Trong giờ phút thiêng liêng chúng tôi xúc động, tự hào và háo hức bước vào trận đánh lớn lịch sử.

Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị về mọi mặt, 17 giờ ngày 26-4 khi tiếng súng đầu tiên của Chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra ở hướng Đông, thì cả Sư đoàn đã ém gọn vào vị trí tập kết an toàn. Đường hành quân của ta rất bí mật, nhưng địch vẫn tăng cường phản kích ngăn chặn. Chúng bắn pháo và thả bom vào những nơi chúng nghi ngờ có lực lượng ta trú quân. Ngoài ra chúng còn tung biệt kích, thám báo lùng sục để phát hiện lực lượng của ta. Song mọi cố gắng của chúng đều không mang lại kết quả. Các đơn vị của Sư đoàn vẫn bí mật áp sát mục tiêu, các khẩu pháo vẫn được kéo vào chiếm lĩnh trận địa. Đại đội của chúng tôi sau khi cơ động đến tuyến xung phong, mọi người triển khai đào công sự. Đất Trảng Bom rắn lắm, đào mãi chỉ được cái hố nằm bắn nông choèn, tuy vậy gần một tiếng rưỡi đồng hồ chúng tôi cũng đào xong công sự cá nhân.

Tối 26-4, pháo ta bắt đầu nhả đạn. Khắp tất cả các trận địa pháo trên vòng cung bao vây Sài Gòn cùng nổ súng. Tiếng pháo gầm rú đan chéo nhau, lửa như chớp giật, đỏ cả bầu trời phía Nam, tiếng nổ chồng lên tiếng nổ. Từ xa trong căn cứ của địch, cuộn lên những quầng lửa màu vàng, màu da cam, màu xanh lòe sáng lóa… pháo ta càng rộ lên, pháo địch càng thưa dần rồi câm tịt. Nghe pháo ta nổ rền trong sào huyệt kẻ thù, ai cũng thấy hả lòng, hả dạ. 19 giờ ngày 26-4, chúng tôi đã chuẩn bị xong và đợi lệnh nổ súng. Thời điểm này trong yếu khu Trảng Bom có rất nhiều tiếng xe đi lại dọc đường vào Suối Đĩa và ngược lại. Trên nhận định có khả năng địch bỏ chạy, song khi nắm lại tình hình thì khẳng định: Địch sẽ không bỏ Trảng Bom, vì cự ly từ Trảng Bom vào Biên Hoà không xa, nếu chúng bỏ Trảng Bom thì Biên Hoà sẽ bị ta uy hiếp mạnh. Hơn nữa chỉ còn bảy, tám giờ nữa thì trời sáng, với một lực lượng đông như vậy địch sẽ không rút hết được. Cũng có thể chúng điều chỉnh lực lượng cho phù hợp với tuyến phòng thủ. Sau khi báo cáo Quân đoàn về tình hình địch ở Trảng Bom, Tư lệnh Sư đoàn Trần Văn Trân chỉ thị cho Pháo binh bắn chặn Suối Đĩa và mục tiêu trọng yếu trong Chi khu Trảng Bom, sử dụng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270 cắt rừng cao su, vận động bao vây chặn bọn địch ở Suối Đĩa.

Trận đánh then chốt mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh ở hướng Đông Bắc của Sư đoàn 341
Quân ta đánh vào khu vực Trảng Bom, Đồng Nai tháng 4-1975. Ảnh tư liệu.

24 giờ, Pháo binh ta bắn trúng đội hình hành quân của địch ở Suối Đĩa, gây cho chúng thiệt hại nặng, một số lớn chạy tán loạn vào rừng. Tiểu đoàn 4 trên đường vận động thì bắt được 2 tên tù binh của địch, qua khai thác được biết chúng đang điều chỉnh lực lượng trong Trảng Bom. Vậy là yếu tố bất ngờ và thời cơ tiến công vẫn còn. Tư lệnh Sư đoàn Trần Văn Trân chỉ thị cho các đài quan sát tiếp tục theo dõi hoạt động của địch, đồng thời lệnh cho các đơn vị nâng đội hình áp sát mục tiêu.

4 giờ 5 phút ngày 27-4-1975, lệnh nổ súng tiến công yếu khu Trảng Bom được phát đi các đơn vị. Các trận địa pháo của Trung đoàn 55 Pháo binh do Trung đoàn trưởng Lê Văn Cúc chỉ huy lập tức nhả đạn. Những cầu vồng lửa vút lên, tới tấp giáng xuống trận địa pháo của địch. Cùng lúc, pháo tăng cường cho các trung đoàn Bộ binh cũng tới tấp dội xuống các mục tiêu. Yếu khu Trảng Bom chìm ngập trong khói lửa của trận mưa pháo khủng khiếp. 7 trận địa pháo của địch câm ngay từ loạt đạn đầu. Các hỏa khí của chúng trong yếu khu cũng bị pháo ta phá hủy. Trong tiếng nổ ầm ầm như bão cuốn của các trận địa pháo, 4 giờ 22 phút, Trung đoàn 270 không bắt được liên lạc với xe tăng. Tư lệnh Sư đoàn Trần Văn Trân chỉ thị cho Trung đoàn 270 tiến công tiêu diệt địch không có xe tăng tăng cường. Từ hướng Bắc, Tiểu đoàn 6 nhanh chóng dùng bộc phá, phá từng hàng rào và đánh chiếm các công sự phía trước. Đến lúc pháo chuyển làn, Tiểu đoàn 6 phát triển theo chiến hào vành khăn, dồn địch vào trung tâm yếu khu. Tiểu đoàn 5 từ phía Bắc bám theo bìa rừng cao su đánh thẳng vào trung tâm. Địch lợi dụng nhiều nhà tầng và công sự để đánh trả, 8 xe tăng địch từ khu nhà cố vấn men dọc theo sân bay đánh vào sườn hai tiểu đoàn 5 và 6. Được xe tăng chi viện, bộ binh địch từ trên các khu nhà mái bằng, từ các hào giao thông men theo các hàng rào trong từng khu vườn phản kích trở lại. Bị xe tăng đánh tạt sườn, hai Tiểu đoàn 5 và 6 của Trung đoàn 270 lùi dần vào bìa rừng cao su. Trong lúc đó, Tiểu đoàn 1 và 3 đã đánh chiếm xong 7 trận địa pháo và tiêu diệt các cụm bộ binh địch ở phía Đông đường số 1. Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Sư đoàn: Tiểu đoàn 3 tổ chức phát triển đánh vào trung tâm Yếu khu. Đại đội 9 chúng tôi sau khi tiến vào bìa rừng cao su, bị pháo địch bắn dồn dập xuống khu vực hành tiến, song thương vong không đáng kể.

Khi tiến ra đường Quốc lộ 1A, vượt qua cổng chào yếu khu, địch trên các nhà cao tầng, tháp nước chĩa súng bắn thẳng vào đội hình tiến quân của đơn vị. Các loại súng AR15, Đại liên, M16, M79, M72… từ trên ban công nhà tầng, trên các tháp nước bắn tới tấp, xối xả như vãi đạn xuống 2 bên đường bộ đội đang tiến quân. Chúng tôi phải lợi dụng địa hình, địa vật để tránh đạn, đồng thời bắn trả vào đội hình địch trên các cửa sổ, các ụ súng. Từng tràng tiểu liên AK, trung liên, đại liên, B40, B41, cối…bắn về phía địch, nhiều tên trúng đạn đổ gục trên ban công, trên ụ súng của chúng. Cuộc giao tranh giữa ta và địch hết sức khốc liệt, càng tiến vào khu trung tâm càng khốc liệt hơn. Trung đội 3 khi đánh vào lô cốt đầu cầu thì vướng hàng rào chắn bằng thùng phi, nên trong lô cốt đạn bắn ra xối xả làm nhiều chiến sĩ hi sinh và bị thương. Anh Hoạch bị thương nặng ở mắt, anh Thực bị thủng ruột hi sinh. Tiểu đội tôi đang tiến vào gần khu trung tâm do anh Vũ Trọng Khái - Tiểu đội trưởng quê Quảng Ninh chỉ huy, thì tiếp tục bị một ổ đại liên và súng M79 phía trước lô cốt và đạn AR15 trên ban công nhà tầng bắn xuống. Bọn địch lố nhố trên ban công và các ô cửa sổ. Anh Khái bắn liền 2 quả B40 vào ổ đại liên trước mặt làm cho nó câm họng. Chúng tôi bắn hàng tràng AK và súng trung liên, nhiều tên địch trên ban công đổ gục xuống. Bỗng xung quanh nổ ra nhiều tiếng đạn M79, đạn AR15 chát chúa. Anh Khái vừa bắn xong thì bị dính đạn M79 của địch, vết thương khá nặng ở sau gáy, đầu và sau lưng. Máu chảy lênh láng, anh hy sinh tại chỗ. Tôi nằm cạnh anh bên trái nên cũng dính mảnh đạn M79. Ống chân trái, đùi trái, cánh tay trái máu ra nhiều thấm hết cả quần, áo. Tôi lấy cuộn băng cá nhân tự băng để cầm máu. Tôi may mắn thoát chết trong gang tấc. Lúc đấy đằng sau tôi, anh Sơn (quê Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh), anh Trung (quê Sơn Phú, Hương Sơn, Hà Tĩnh), anh Sâm (quê Sơn Hàm, Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang tiến công cũng bị trúng đạn. Tôi thấy một tiếng nổ lớn, không biết đạn pháo hay M79, khói trùm lên đội hình, có nhiều tiếng la hét. Chắc chết hết rồi? Khi hết khói đạn thấy các đồng đội vẫn cử động, chỉ bị thương. Mừng quá!

Sau loạt đạn vừa rồi đơn vị vẫn tiếp tục truy kích địch, dồn chúng vào từng khu nhà, góc phố. Các ổ đề kháng lần lượt bị san bằng. Sau này, anh em kể lại khi chúng tôi bị thương không thể tiếp tục chiến đấu, các mũi tiến công phát triển thuận lợi. Cùng lúc xe tăng ta cũng vào kịp nên đã quần đi quần lại dọc hai bên đường 1, từng góc phố, xe tăng nã đạn làm cho địch hốt hoảng tháo chạy. Tổ thọc sâu của Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 270 lao thẳng vào khu trung tâm, dùng bộc phá 5kg phá sở chỉ huy của địch. Tên Chỉ huy trưởng yếu khu, và tên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảo an 368 cùng nhiều sĩ quan khác của địch bị đền tội. Mất chỉ huy, những tên lính sống sót bỏ chạy thục mạng, nhưng đã bị những hàng rào ô vuông quanh từng khu vườn, những cọc sắt ken dày, những hầm hố chằng chịt, những tấm lưới chống đạn B40 của chính chúng ngăn lại và bị quân ta bắn tiêu diệt. Nhiều tên nằm vắt ngang trên hàng rào dây thép gai, xác vắt qua càng pháo, bên bờ công sự. Gần 500 tên bị bắt làm tù binh, ta thu một lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật. Ngoài số bị tiêu diệt và bắt sống, tàn quân của Sư đoàn 18, Biệt động quân, Bảo an, Dân vệ thoát chết bỏ chạy về Suối Đĩa cũng bị Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 270 giăng bẫy đánh cho tan tác.

10 giờ 30 phút ngày 27-4-1975, toàn bộ quân địch trong yếu khu Trảng Bom bị ta tiêu diệt. Trận then chốt mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông - Bắc của Sư đoàn 341 đã thắng lợi giòn giã. Ta làm chủ một đoạn đường dài 14km trên Quốc lộ 1 (từ Ngã ba Sông Thao đến Tây Trảng Bom). Chiến thắng Xuân Lộc và chiến thắng Trảng Bom đã mở toang cánh cửa thép, để đại quân ta cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

LÊ HỮU
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Phan Thanh Giảng - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website