Chuyển đổi số và tác động của chuyển đổi số
Thời gian gần đây, chúng ta thường nghe nhiều đến khái niệm “chuyển đổi số” trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vậy chuyển đổi số là gì và có tầm quan trọng của nó như thế nào?
Chuyển đổi số (Digital transformation) được hiểu là ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud), Internet cho vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data)... vào mọi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp nhằm đưa lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu. Chuyển đổi số không phải đơn thuần thay đổi cách thực hiện công việc từ thủ công truyền thống (ghi chép trong sổ sách, họp trực tiếp...) sang vận dụng công nghệ để giảm thiểu sức người. Trên thực tế, chuyển đổi số đóng vai trò thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty...
“Chuyển đổi số” (Digital Transformation) có thể dễ bị nhầm lẫn với khái niệm “Số hóa” (Digitizing). Để phân biệt hai khái niệm này, có thể hiểu rằng: Số hóa là ứng dụng CNTT để tối ưu hóa quy trình đã có, theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp dịch vụ đã có. Hay nói cách khác là quá trình đưa các thông tin lưu trữ ở dạng vật lý như văn bản giấy, đĩa CD, ổ cứng... lên các hệ thống lưu trữ trên mạng Internet. Nhờ đó, người ta có thể dễ dàng tìm kiếm dữ liệu để phục vụ cho công việc hằng ngày hơn. Còn chuyển đổi số là thay đổi quy trình mới, thay đổi mô hình hoạt động mới để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới. Đó là quá trình thay đổi về tư duy và mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành.
Đối với nhà nước, chuyển đổi số là dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do Nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ: Một cán bộ Nhà nước xử lý công việc trên giấy tờ và trao đổi trực tiếp theo phương thức truyền thống. Khi ứng dụng CNTT, cán bộ sử dụng máy tính soạn thảo văn bản, in truyền ký và trao đổi trực tiếp. Khi chuyển đổi số, cán bộ sử dụng công nghệ để soạn thảo trực tuyến, chỉnh sửa trực tuyến, ký trực tuyến, trao đổi trực tuyến trên môi trường sử dụng các công nghệ số. Hoặc như trường hợp bệnh án điện tử là một ví dụ thực tế về chuyển đổi số khi mà các kết quả thăm khám của người bệnh, tiền sử bệnh lý của người bệnh được đưa lên hệ thống. Bác sĩ sẽ chỉ cần vài click chuột là có thể biết được toàn bộ vấn đề sức khỏe của bệnh nhân mà không cần nhìn vào nhiều loại phiếu khám hay các hồ sơ bệnh án nhiều trang.
Trong khi đó, đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh, sinh viên phải học tập bằng hình thức trực tuyến. Nền tảng học trực tuyến VNPT E-learning, cho phép người dạy và người học có thể tổ chức các buổi học trực tuyến dễ dàng. Giáo viên có thể tải các video bài giảng và tài liệu lên hệ thống, học sinh có thể truy cập vào học bất cứ lúc nào mà không cần phải tới lớp học. Hoặc là khi chúng ta đi chợ mua hàng, phương thức truyền thống là đến chợ mua hàng hóa và trả tiền mặt. Khi ứng dụng CNTT, chúng ta mua hàng hóa và chuyển tiền trả qua tài khoản. Chuyển đổi số giúp chúng ta có thể đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến, giao hàng tại nhà.
Các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng, chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp: từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh… Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... Ví dụ: Đối với phương thức truyền thống là công ty xuất bản và bán sách ra ngoài thị trường. Khi ứng dụng CNTT, công ty sẽ số hóa tài liệu và xuất bản đĩa CD, bán ra ngoài thị trường. Khi chuyển đổi số, công ty dừng xuất bản sách, dừng in đĩa CD, thay đổi mô hình kinh doanh bán sản phẩn thành mô hình kinh doanh bán dịch vụ truy cập trực tuyến đến kho nội dung của mình.
Các mô hình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Chẳng hạn như đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ taxi, nếu như trước đây, hành khách gọi taxi bằng cách vẫy tay ngoài đường hoặc gọi đến tổng đài để đặt chuyến. Nhưng giờ đây, nhờ chuyển đổi số mà các doanh nghiệp như Be, Uber, Grab tham gia thị trường thì mỗi hành khách, mỗi lái xe cài một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Người có nhu cầu và người có khả năng cung ứng dịch vụ kết nối với nhau một cách dễ dàng. Thực tế là Uber hay Grab không sở hữu một chiếc xe taxi nào hay một tài xế nào. Chuyển đổi số đã thay đổi mô hình hoạt động trong cung cấp dịch vụ taxi.
Có thể nói, chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra buộc các Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải thay đổi. Chuyển đổi số sẽ giúp Chính phủ ngày càng cải thiện chất lượng công việc của cán bộ, công nhân viên chức, cải thiện dịch vụ công, giúp giảm ách tắc và phục vụ nhu cầu của người dân hiệu quả hơn. Chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí hoạt động bởi khả năng kết nối vô hạn của quá trình số hóa. Do vậy, cần nhanh chóng nâng cấp hệ thống số hóa giúp công cuộc chuyển đổi số hoàn thiện nhằm đáp ứng xu hướng hiện nay.
TRUNG THÀNH